Chiến lược phát triển AI của nước ta đã và đang được hình thành rõ nét. Điển hình là việc Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó, nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng, lợi thế”.
Mới đây, tại Diễn đàn chính sách "Việt Nam chủ động phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên mới", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, nâng cao năng lực quản trị thông minh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà máy; đồng thời mọi công dân đều có trợ lý ảo để được sử dụng thành quả của AI và bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân, hạn chế mặt trái của AI, tinh thần là “phát triển AI và phải thắng AI”; trong đó, phong trào “Bình dân học vụ số” được cho là chìa khóa vàng để thực hiện nhiệm vụ này.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Anh Tú thông tin, Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, được ban hành theo Quyết định 127 ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ rằng AI là một công nghệ nền tảng quan trọng, giúp tạo ra bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh ứng dụng AI để giảm tải công việc giấy tờ, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Để làm được việc đó, hiện nay có nhiều cái chính sách đang được triển khai. Đầu tiên là xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), dự kiến hoàn thiện và đi vào sử dụng từ cuối năm 2025. Theo đó, dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương sẽ được lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và được mở một phần để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về đào tạo, hiện nay, có đến hơn 50 chương trình đào tạo liên quan tới AI được mở ra, trong đó có hơn 10 chuyên ngành chuyên biệt cho AI tại các cơ sở đào tạo, với số lượng sinh viên tham gia đào tạo rất lớn. “Vấn đề là chúng ta cần một chương trình đào tạo để phổ cập kiến thức về AI, nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn cộng đồng, từ đó giúp việc ứng dụng AI có hiệu quả hơn”, ông Trần Anh Tú nói.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia Chính sách công, UNDP Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng AI như thế nào cho hiệu quả với điều kiện cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý dữ liệu, nhân lực hay cơ chế, chính sách của khu vực công hiện tại là bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bà Đỗ Thanh Huyền đề xuất 4 điều kiện, gọi là 4 "M".
Chữ "M" đầu tiên là về thể chế, thiết chế và cơ chế chính sách quản lý (mechanisms), để thúc đẩy việc phát triển, hay ứng dụng vào trong môi trường khu vực công, đồng thời bảo đảm an ninh an toàn thông tin của người dùng trên môi trường đó.
Chữ "M" thứ hai là về nền tảng của hệ thống trang thiết bị (machinery). Nếu muốn ứng dụng AI thì đầu tiên phải có kho dữ liệu để có thể lưu trữ được ngôn ngữ của tiếng Việt bởi ngôn ngữ tiếng Việt trong hệ thống ngôn ngữ chung của AI đang còn rất ít.
Chữ "M" thứ ba là nguồn nhân lực (manpower); đó là việc đào tạo cho đội ngũ cán bộ công chức từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là những người hoạch định chính sách để hiểu rõ được tầm quan trọng của việc ứng dụng AI.
Chữ "M" cuối cùng là câu chuyện về nguồn tài chính (Money). Hiện nay, nguồn ngân sách để đầu tư cho phát triển dịch vụ công trực tuyến còn rất hạn chế, do đó cần có những cơ chế để tăng cường nguồn kinh phí cho ứng dụng giải pháp công nghệ trong đó có AI.
Để tháo gỡ điểm nghẽn về tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hoài cho rằng, cần thay đổi cách nhìn về việc thực hiện các dự án AI, có cơ chế mang tính chất sandbox để thử nghiệm nhằm thúc đẩy ứng dụng AI.
Tác giả: Chơn Thành Thị ủy, Thu Phương (TTXVN)
Nguồn tin: Báo tin tức Thông tấn xã Việt Nam (https://baotintuc.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Huyện Chơn Thành được thành lập theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20/02/2003 của Chính phủ gồm 08 xã, thị trấn (Minh Long, Minh Thành, Tân Quan, Nha Bích, Minh Lập, Minh Thắng, Minh Hưng và thị trấn Chơn Thành). Ngày 16/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2005/NĐ-CP thành lập xã Thành Tâm...