Là một người cầm bút làm báo, ngay từ năm 1936, đồng chí đã trực tiếp tham gia lãnh đạo và là thành viên chủ chốt trong ban biên tập một số tờ báo công khai lớn nhất của Đảng thời điểm ấy, như tờ Le Travail (Lao động), Tin tức, Đời nay, Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Rassemblement, Enavant (Tiến lên), rồi chủ bút Báo Giải phóng (1936-1939), trực tiếp phụ trách Báo Tin tức (1938), trực tiếp chỉ đạo Báo Đời nay (1938)…
Sau này, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí là người lãnh đạo phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng, đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp các cơ quan ngôn luận của Đảng, gồm Tạp chí Cộng sản (tháng 10-1941) - cơ quan lý luận của Trung ương Đảng; báo Cờ Giải phóng (tháng 10-1942) - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng; Báo Cứu quốc (tháng 1-1942) - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt minh.
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách và viết bài cho Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân); rồi phụ trách hoặc giữ chức vụ Chủ nhiệm Tạp chí Sinh hoạt nội bộ (tháng 8-1947 tới tháng 3-1950), Tạp chí Học tập (1955-1975) - các tên gọi khác của Tạp chí Cộng sản ngày nay.
Ba lần giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (hay Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội), đồng chí luôn đồng thời là một nhà báo lớn với bút danh chủ đạo Trường Chinh, từ ngày 10-10-1942.
Những tư chất đó hòa quyện, kết tinh, tỏa sáng rực rỡ: Tổng Bí thư - nhà báo Trường Chinh - người khởi xướng và là linh hồn của công cuộc đổi mới Việt Nam.
Từ chủ động đối mặt thách thức ngặt nghèo của thực tiễn, với tầm nhìn toàn cục, sâu sắc và bình tĩnh của đồng chí Tổng Bí thư trong sự dũng cảm và tinh tế của một nhà báo lớn
Nhớ lại năm 1982, có thể nói, đất nước ta đứng trước nguy cơ lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Nhất là sau đợt điều chỉnh giá cuối năm 1981, do nâng giá hàng loạt mặt hàng mà không điều chỉnh tiền lương một cách tương ứng, nên làm cho giá cả tăng vọt, lạm phát tăng với tốc độ đến chóng mặt, khiến mức sống của cán bộ, công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang giảm sút nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất xấu đến sản xuất, nền kinh tế trở nên tiêu điều, tác động khôn lường tới toàn bộ đời sống xã hội, làm chấn động tâm tư, tình cảm, lòng tin của cán bộ và nhân dân. Theo đó và cùng với đó, các tệ nạn tiêu cực bùng phát, nguy cơ tha hóa con người và xã hội diễn ra rất phức tạp…
Tới giữa năm 1986, cả nước thiếu đói trầm trọng. Các dự án kinh tế đầu tư khổng lồ đều không phát huy hiệu quả. Nguyên vật liệu khan hiếm khiến không ít các nhà máy sống cầm canh. Tốc độ lạm phát “phi mã” 3 con số: 300%, 400%, 500% và thậm chí hơn 700%... Lòng người từ trong Đảng đến ngoài xã hội, từ cơ sở đến Trung ương hoang mang và loay hoay vẫn chưa tìm ra lối thoát. Tư tưởng chia hai hướng: xé rào để khắc phục khủng hoảng hoặc kiên định, triệt để áp dụng cơ chế kế hoạch, bao cấp.
Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời. Đại hội Đảng lần thứ VI chỉ còn tính từng ngày. Thế nhưng báo cáo chính trị gửi xuống đơn vị, cơ sở bị phản đối dữ dội vì mọi quan điểm, đường lối vẫn không có gì mới. Tức là hướng thoát khỏi khủng hoảng vẫn mịt mờ... Đồng chí Trường Chinh lúc đó được Đảng tín nhiệm giao giữ chức Tổng Bí thư. Ông đi đến một quyết định táo bạo, quyết đoán chưa từng có: Viết lại toàn bộ báo cáo chính trị theo quan điểm quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối mới. Chấp nhận hy sinh, mất mát để khắc phục những hậu quả sai lầm.
Sau này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng khẳng định: Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản, vừa “tả khuynh vừa hữu khuynh”… thì chúng ta càng thấy rõ hơn sự cấp bách trong việc tìm lối ra cho tình hình đất nước khẩn thiết và có ý nghĩa thành bại như thế nào.
Đúng như Đại hội lần thứ V nhận định trước đó: Chúng ta vừa chủ quan nóng vội vừa bảo thủ trì trệ, trong thực tế hai mặt đó cùng tồn tại và đều cản trở bước tiến của cách mạng.
Tôi từng nghe kể lại, vào thời điểm trước Đại hội lần thứ VI của Đảng, văn phòng đồng chí Trường Chinh nhận được hàng trăm, hàng ngàn báo cáo, kiến nghị của các cơ quan, các cấp, ngành và địa phương cùng với thư từ của cán bộ, đảng viên và nhân dân các nơi tới tấp gửi về, tập trung phản ánh đời sống, đạo đức, về lòng tin, về vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Những thông tin này đều báo cáo cập nhật đến đồng chí Trường Chinh, nhất là những vấn đề cấp bách mà nền kinh tế - xã hội đất nước đang đặt ra. Nhưng, đồng chí luôn tin tưởng rằng, không có bất cứ khó khăn nào không có cách khắc phục và vượt qua, ngay cả những lúc tình thế hiểm nghèo nhất, nếu bình tĩnh nghiền ngẫm, lắng nghe ý kiến nhân dân dứt khoát sẽ hóa giải thành công, điều mà đồng chí suốt cuộc đời mình đã luôn từng đối mặt.
Trước tình hình ngặt nghèo đó, đồng chí khẳng định, không thể tiếp tục kéo dài tình trạng này được nữa, không thể duy trì cách nghĩ, cách làm cũ cũng như những chủ trương, chính sách và cơ chế quản lý như trước được nữa. Nhưng để thay thế cái cũ, tìm ra cái mới thì làm gì và làm thế nào?
Không do dự, đồng chí quyết định: Chỉ đạo nghiên cứu một cách hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm một số vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn cấp bách ở nước ta, làm căn cứ xác định phương pháp luận cho việc xác lập, định vị con đường, phương thức và bước đi chủ yếu nhằm tháo gỡ tình hình; đồng thời, tổ chức những cuộc nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm toàn diện thực tế ở các địa phương, các ngành, các cấp một cách cần thiết, nhằm bổ sung cho nhận thức, kinh nghiệm, cho phát triển lý luận.
Cần nhấn mạnh là, phương thức tổ chức đó đã thực sự tạo hiệu ứng! Vì, qua thực tiễn, Đảng giữ được uy tín và vai trò lãnh đạo nhân dân do bằng đường lối, chính sách đúng đắn. Việc tăng cường mối liên hệ khăng khít giữa dân với Đảng cũng là cơ sở quan trọng để Đảng có được đường lối, chính sách đúng, phù hợp tình hình và nguyện vọng của nhân dân. Những công việc do đồng chí chỉ đạo và tổ chức rất phù hợp và đúng đắn ngay trong lúc bấy giờ (và cả sau này).
Xuất phát từ thực tiễn để xây dựng quyết sách; và việc xây dựng, thực thi quyết sách phải đặt trong các mối kiểm chứng từ thực tiễn đời sống xã hội của nhân dân, càng tỏ rõ phù hợp, nhất là tình thế lúc bấy giờ. Đồng chí nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng là do những bất hợp lý về đường lối - đã tỏ ra trì trệ, lạc hậu, không kịp thời sửa chữa - so với thực tiễn sinh động đã phát triển rất khác trước, thậm chí vượt khỏi lối suy nghĩ thông thường. Đồng thời, một đường lối, chính sách đúng phải tuân thủ quy luật phát triển của xã hội, phù hợp thực tiễn và phải được nhân dân ủng hộ thực hiện.
Đó là điều mang ý nghĩa quyết định thành bại nhất!
…Tới đột phá nghiên cứu, tổng kết thực tiễn theo phong cách của nhà báo lý luận lớn
Sinh thời, đối với đồng chí Trường Chinh, thâm nhập thực tế, nghiên cứu tình hình, phát hiện cái mới là vấn đề quan trọng bậc nhất.
Đó là kinh nghiệm lớn khi đồng chí phụ trách các tờ báo, tạp chí lý luận và chính trị của Đảng.
Chính vì vậy, từ năm 1983-1986, đồng chí khảo sát gần 20 tỉnh, thành phố từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc. Và, chuyến đi nào đồng chí cũng nhắc mời đại diện các tờ báo và tạp chí cùng đi. Đây chính là căn cứ thực tế sinh động, tổng kết thực tiễn một cách thuyết phục và phác họa tư duy đổi mới của đồng chí trong bài phát biểu tại các hội nghị Trung ương lần thứ 6, 7, 8, 9... khóa V, lập tức gây tiếng vang lớn trong cả nước.
Sáng 13-7-1983, cuộc họp rất quan trọng do đồng chí Trường Chinh chủ trì, mà sau này được coi là "Sự kiện Đà Lạt" - cái mốc khởi đầu của công cuộc đổi mới - để Bộ Chính trị nghe ý kiến thực tế cơ sở, làm nguồn liệu đề ra đường lối, chính sách mới. Việc trình bày, báo cáo của các đơn vị cơ sở của Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong 4 ngày, từ 13 đến 16-7-1983. Đồng thời, đồng chí yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp để đồng chí tới thăm và nghiên cứu thực tế các nhà máy, đơn vị cơ sở... Sau chuyến đi thăm và khảo sát thực tế này, những kinh nghiệm của cơ sở và các địa phương khác trên cả nước được thâu thái, tạo tiền đề thực tiễn rất quan trọng và qua tổng kết, chắt lọc, được đúc kết thành những quyết sách chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng sau này.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (từ ngày 3-7 đến 10-7-1984), đồng chí Trường Chinh trình bày bài phát biểu của mình về vấn đề cơ chế quản lý. Trong đó phác thảo và nhấn mạnh, nền kinh tế nước ta hiện nay đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý năng động có khả năng bãi bỏ tập trung quan liêu, bảo thủ, trì trệ và bao cấp tràn lan, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với sự trì trệ để từng bước cùng với tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa V xác lập nên mô hình mới, cơ chế mới, đặt nền tảng lý luận cho việc hoạch định đường lối đổi mới toàn diện. Hội nghị này trở thành "linh hồn" cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ VI. Và, cuối tháng 9-1986, một cuộc họp khẩn cấp tại Đồ Sơn (Hải Phòng), do đồng chí chủ trì, với tuyên bố: Viết lại Văn kiện Đại hội VI.
Qua đây, có thể nhận thấy, quá trình hình thành tầm nhìn và tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải là sự tư biện hay tưởng tượng được nhào nặn ra từ trong ý muốn, mà là một quá trình được chuẩn bị bằng lý luận, phương pháp luận khoa học; là quá trình thâm nhập, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm và từ đó kết tinh thành quan điểm, tư duy, phương lược đổi mới. Đồng chí vượt lên, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng từng bước hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện, một cách thật sự cầu thị và tiến bộ, thật sự tôn trọng quy luật, làm theo quy luật, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, gần 2 tháng sau đó. Nhà báo Hà Đăng nhớ lại: Năm 1986, là thành viên Tổ biên tập Báo cáo chính trị Đại hội VI, lại có dịp cùng các anh trong tổ tiếp nhận những ý kiến chỉ đạo sâu sắc của đồng chí để hoàn chỉnh bản báo cáo đó, cả về nội dung và hình thức.
Sau khi tạo được sự thống nhất trong nội bộ, Tổng Bí thư Trường Chinh lựa chọn Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng bộ Hà Nội là diễn đàn để chính thức công bố trước toàn Đảng và nhân dân về những tư tưởng đó. Và, ngày 19-10-1986, tại đại hội này, đồng chí phát biểu: Đối với cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đáp ứng những nhu cầu chính đáng và ngày càng cao của nhân dân. Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại. Bài phát biểu lập tức được các phương tiện truyền thông đăng tải và được đón nhận như một tuyên ngôn đổi mới.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận thức rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, Đồng chí đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới. Vang mãi trong lòng nhân dân ta lời phát biểu của đồng chí trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI: Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn.
Trong vai trò Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã đóng vai trò quyết định phát động công cuộc đổi mới và sau đó đã chủ động từ chức, giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư tại Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với vai trò là người lãnh đạo đường lối đổi mới sau này, góp phần đưa đất nước thoát khỏi sự khủng hoảng toàn diện trong vòng 10 năm sau ngày thống nhất, đã tôn vinh đồng chí Trường Chinh là: Tổng Bí thư của đổi mới.
Rõ ràng: Người lát viên gạch đầu tiên để xây nên ngôi nhà đổi mới chính là đồng chí Trường Chinh. Và, diễn đạt một cách hình ảnh: Trường Chinh - Cháy lên ngọn lửa đổi mới!
Đánh giá công lao, nhất là đóng góp quan trọng nhất của đồng chí Trường Chinh về công cuộc đổi mới tại Đại hội VI năm 1986, Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng - viết: Cống hiến đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh là đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Năm 1986, với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã đề ra chủ trương đổi mới.
(còn tiếp kỳ cuối)
Tác giả: Chơn Thành Thị ủy, TS. Nhị Lê
Nguồn tin: Báo Bình Phước Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Huyện Chơn Thành được thành lập theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20/02/2003 của Chính phủ gồm 08 xã, thị trấn (Minh Long, Minh Thành, Tân Quan, Nha Bích, Minh Lập, Minh Thắng, Minh Hưng và thị trấn Chơn Thành). Ngày 16/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2005/NĐ-CP thành lập xã Thành Tâm...