Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi đã giới thiệu tới bạn bè quốc tế vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời, nơi hội tụ kho tàng văn hoá dân gian phong phú tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam, quê hương của 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh gồm: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Với mong muốn luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của bạn bè quốc tế trong việc kết nối, lan tỏa, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Bắc Ninh, Phó chủ tịch Lê Xuân Lợi đặc biệt kêu gọi sự ủng hộ của UNESCO để năm nay “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” được đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngô Lê Văn cũng khẳng định Bắc Ninh là một vùng đất tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam, không chỉ là quê hương của dân ca Quan họ, loại hình nghệ thuật được hình thành từ tri thức, đạo lý và thực hành nhân văn của người Việt, đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mà còn là nơi sinh ra tranh dân gian Đông Hồ - những tác phẩm được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không chỉ mang giá trị nghệ thuật, mà còn là bản tuyên ngôn sâu sắc về lối sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên của người Việt.
Theo Thứ trưởng Ngô Lê Văn, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới - hành trình vươn lên của dân tộc, được thúc đẩy bởi tri thức, đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trên hành trình này, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực nội sinh cho sự phát triển của đất nước. Việc phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam chính là chìa khóa để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một quốc gia hùng cường và thịnh vượng.
"Thông qua việc giới thiệu Bắc Ninh, Việt Nam mong muốn tôn vinh những giá trị cốt lõi mà UNESCO luôn theo đuổi: bảo tồn di sản, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và thúc đẩy phát triển bền vững", ông bày tỏ. Thứ trưởng cũng cho biết, sự kiện càng thêm ý nghĩa khi nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất đã được UNESCO vinh danh năm 1987. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị tư tưởng, đạo đức và di sản văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về hòa bình, nhân văn và hợp tác quốc tế mà Người suốt đời theo đuổi.
Đánh giá cao vai trò đóng góp tích cực và năng động của Việt Nam trong các hoạt động của UNESCO, ông Xing Qu, Phó Tổng Giám đốc UNESCO, khẳng định sự kiện không chỉ nhằm tôn vinh sự phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam, một đất nước mạnh mẽ, kiên cường, vượt lên mọi thử thách, mà còn là dịp để bạn bè quốc tế bày tỏ sự ủng hộ và mối quan hệ gắn bó với đất nước này. Nhắc lại chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Tô Lâm tại trụ sở UNESCO vào tháng 10/2024, góp phần nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới, ông Xing Qu bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò năng động của mình tại UNESCO, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn di sản và phát huy các giá trị văn hóa nhân loại.
Sự kiện kết thúc trong niềm tin tưởng rằng tranh dân gian Đông Hồ sẽ sớm được UNESCO công nhận, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Đăng Tâm, nghệ nhân tranh Đông Hồ chia sẻ: "Chúng tôi rất mong muốn một ngày gần nhất tiếng chuông công nhận sẽ vang lên ở UNESCO tại Paris. Đó sẽ là niềm vinh hạnh cho những người làm nghề và cho cả làng Đông Hồ chúng tôi". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi cũng bày tỏ: "Với một chuỗi các hoạt động trong nước và nước ngoài, cùng với hồ sơ mà chúng tôi đã đệ trình UNESCO, chúng tôi rất mong muốn trong năm 2025 này, tranh dân gian Đông Hồ sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại".
Đêm "Việt Nam - Tinh hoa văn hóa và khát vọng vươn mình" tại UNESCO không chỉ là một sự kiện văn hóa nghệ thuật đơn thuần mà còn là sứ mệnh quảng bá, bảo tồn những giá trị tinh hoa của dân tộc. Qua những làn điệu Quan họ ngọt ngào và những bức tranh Đông Hồ rực rỡ sắc màu, văn hóa Việt Nam một lần nữa chứng minh sức sống mãnh liệt và khả năng kết nối con người, bất kể khoảng cách địa lý hay khác biệt văn hóa.
Tác giả: Chơn Thành Thị ủy, Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Nguồn tin: Báo Bình Phước Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Huyện Chơn Thành được thành lập theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20/02/2003 của Chính phủ gồm 08 xã, thị trấn (Minh Long, Minh Thành, Tân Quan, Nha Bích, Minh Lập, Minh Thắng, Minh Hưng và thị trấn Chơn Thành). Ngày 16/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2005/NĐ-CP thành lập xã Thành Tâm...