Nhà báo Nguyễn Phú Trọng trong 40 năm tập viết báo lý luận của tôi (Kỳ đầu)

Thứ hai - 14/04/2025 03:16
BPO - Trọn cuộc đời công tác 57 năm, kể từ ngày 5-12-1967, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên vẹn cuộc đời ông thủy chung là nhà báo.
   BPO - Trọn cuộc đời công tác 57 năm, kể từ ngày 5-12-1967, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên vẹn cuộc đời ông thủy chung là nhà báo.

   Dù ông giữ trọng trách gì, trong tư cách nào và ở bất cứ đâu: Là biên tập viên hay Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, là Bí thư Thành ủy Hà Nội hay Chủ tịch Quốc hội, là Chủ tịch nước hay Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trước sau và trọn vẹn, “tôi mon men làm báo” - như ông tự bạch - “rất say mê” và “có ít nhiều kinh nghiệm”. 

   Vì đó là nghề, như ông tâm sự: “Lựa chọn đầu tiên”. 

   Cứ như định mệnh, nghề báo đã hóa thành tâm nghiệp của ông. 

   Và, tên gọi nhà báo từ ngày 5-12-1967, tại Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản ngày nay), ông mang cho tới ngày 19-7-2024 - thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình - khi ông thân ái: “Chào đồng bào ở lại, tôi đi công tác”!

   May mắn được nhà báo Nguyễn Phú Trọng chọn về làm biên tập viên của Tạp chí Cộng sản từ tháng 5-1984 và vinh dự được làm nghề báo bên ông hơn 40 năm 2 tháng, ở đâu và bất cứ lúc nào, dù ông bận mấy mươi, tôi luôn nhận được từ ông sự ân cần chỉ dạy và rèn giũa nghiêm khắc!  

   Làm tạp chí lý luận để làm gì?

   Ngày tôi về Tạp chí Cộng sản, 7-5-1984 cũng là ngày ông từ Liên Xô về. Ông Trần Hồng Chương, Tổng Biên tập và Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản cử ông sang Tạp chí Người Cộng sản (Liên Xô) trao đổi và học tập công việc của Thư ký Tòa soạn. Hôm sau, ông tới Bộ Biên tập và tặng tôi chiếc cà-vạt màu huyết dụ và không quên gửi quà cho vợ, con tôi: Anh và chú Quảng vào Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, xem hồ sơ, đề nghị xin em về đây công tác và Ban Biên tập tiếp nhận ngay.

   Theo sự phân công của ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Xây dựng Đảng, ông hướng dẫn và đào tạo tôi làm quen công việc của tạp chí. Theo đó, cùng với việc nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng, được phân công phụ trách Trung ương Đoàn, nghiên cứu, tuyên truyền về thanh niên và công tác đoàn, tôi đọc và bút ký hệ thống các tác phẩm kinh điển mà ông giao, hằng tuần kiểm tra và sau một năm phải báo cáo kết quả công việc trước Ban Xây dựng Đảng.


nha bao nguyen phu trong 40 nam tap viet bao ly luan cua toi


Tháng 7-2015, tại Văn phòng Tổng Bí thư, tác giả xin ý kiến chỉ đạo và trao đổi cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Tạp chí Cộng sản ra số đặc biệt
 

   Tạp chí Cộng sản là tạp chí lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hơn 54 năm tới khi đó, tạp chí mang nhiều tên gọi khác nhau: Tạp chí Đỏ, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và giữ cương vị chủ bút đầu tiên, ra mắt số đầu vào ngày 5-8-1930, trải tới năm 1945, ấn phẩm thay đổi với hàng loạt tên khác nhau: Tạp chí Cộng sản rồi Tạp chí Bônsơvich. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp lại mang tên Sinh hoạt nội bộ và Tạp chí Cộng sản. Sau khi giải phóng Thủ đô, thay cho Tạp chí Cộng sản, tháng 12-1955, Tạp chí Học tập ra đời, ra đều kỳ. Và, ngày 5-1-1977, lại tiếp tục chuyển thành Tạp chí Cộng sản cho tới nay.

   Dù tên gọi gì, tạp chí vẫn mang tư cách là “Cơ quan Trung ương huấn luyện công tác và lý luận”, “Cơ quan lý luận và chính trị của Đảng”…

   Chừng 3 tháng sau, trên đường dẫn tôi sang Viện Mác-Lênin và Học viện Nguyễn Ái Quốc, ông hỏi tôi: Em về mấy tháng, thấy tạp chí sao? Tôi đáp: Em đang làm quen, nhưng em cảm thấy mình cũng hợp tạng và thú vị. Ông nói: Hợp tạng, lại thấy thú vị là tốt rồi. Rồi ông hỏi: Thế, làm tạp chí để làm gì? 

   Độ một phút sau, vừa đạp xe đạp vừa quay sang trả lời ông, trong gió ngược: Dạ, để em tiếp tục làm người lính viết báo còn dang dở, để học làm tạp chí lý luận chính trị. Rồi, lấy nó làm nghề để em làm lý luận theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lý luận và chính trị của Đảng! Em thích!

   Ông cười trìu mến: Thích là tốt rồi! Đúng là thanh niên có khác! Nhưng, nghề lý luận không ăn xổi ở thì được đâu! Và, ông động viên: Phải rất kiên trì, phải rất nhẫn nại, phải rất có phương pháp.     

   Câu cuối cùng khiến tôi cảm động và thấy rất tự tin! Nhất là ba tiếng “rất” của ông cứ ám ảnh tôi cho tới tận bây giờ. 

   Không lúc nào nguôi!

   Lấy gì để làm báo và tạp chí?

   Tháng 10-1986, trên đường đi công tác lên Tỉnh ủy Sơn La, ông nói: Lần này, em nghiên cứu và chuẩn bị chấp bút bài giúp chú Hoàng Nó, Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, để đăng số 11, chào mừng Đại hội thứ VI của Đảng nhé!  

   Tôi suy nghĩ suốt ngược đường Sơn La hơn 300km.

   Dừng nghỉ ở Suối Rút, ông bất chợt hỏi: Em sẽ lấy gì để viết bài báo cho Sơn La này? Em! 

   Tôi đáp ngay: Dạ, lấy báo để làm báo! 

   Ông ngạc nhiên: Sao lại vậy? 

   Tôi nhìn ông: Em cũng như anh, học Văn ra, có được ai dạy cách viết báo đâu. Nên lấy cách làm 70 bài báo em viết hồi ở bộ đội mà các báo tỉnh, đài ở Trung ương đăng hết, không bỏ bài nào, lại được trao giải cao nhất nữa! Em đọc kỹ các bài kinh nghiệm các tỉnh, huyện, nhất là bài về Sơn La đăng trên tạp chí ta và các báo nữa, để xem thể thức, chọn hành văn sao cho hợp. 

   Ông cười, hỏi tiếp: Rồi sao nữa? Tôi trả lời: Em lấy cuộc sống Sơn La, so nó với các tỉnh khác, tìm sự giống, khác nhau để nhận diện Sơn La và viết.

   Ông vui hơn, lại hỏi: Gì nữa? Được thể, tôi hăng hái: Dạ, em lấy lịch sử, kinh tế, văn hóa, con người Sơn La xưa để tìm Sơn La hôm nay chuẩn bị bước vào đổi mới thế nào, có giống và khác gì so với tỉnh khác miền Tây Bắc của ta không? Anh chả dạy, liệu cơm mà gắp mắm là gì! 

   Ông nheo cười! Tôi ỷ thế, lấn tới: Còn anh sửa chữa trước khi trình chú Hoàng Nó thông qua kia mà! Có anh, thì lo gì mà bài không thành!

   - Chả dại! Của anh anh mang, của nàng nàng xách! Lần này, giao khoán cho chú kia mà! Ông thật vui!

   Báo dễ làm hay tạp chí lý luận dễ làm?

   Năm 1989. Tròn 5 năm ở tạp chí. 

   Một sáng, cuối tháng 3-1989. 

   Ông pha trà và mời tôi sang phòng của ông: Gớm, độ này, chiếm hết chỗ của báo rồi! 

   Và, ông mở cho tôi xem hai tờ Nhân Dân và Quân đội nhân dân tuần giữa tháng đăng 3 bài của tôi. Mắc đi nghiên cứu thực tế ở huyện Phúc Thọ 10 ngày, từ 15 đến 25 hằng tháng, trong chương trình ông liên hệ và giao nhiệm vụ đã 3 năm, nên tôi chưa kịp đọc.

   Ông hỏi: Em viết cho các báo và tạp chí, thì cái nào dễ hơn?  

   Tôi nhìn ông và trả lời dò xét, nước đôi: Không có gì dễ hay khó thuần túy cả, và ngược lại. Anh ạ! Chỉ có sự khác nhau thôi!

   Ông cười: Trừu tượng quá! 

   Được đà, tôi “trừu tượng” hơn: Báo thì đứng ở chân núi mà viết về núi, chí thì càng đứng thật xa mà nhìn lại núi, rồi xem núi trong dãy núi hay là chỉ là ngọn độc sơn! Nếu báo nói một điều cho nhiều người nghe, chí thì viết nhiều điều cho một người đọc! Cái trước thì nói là cổ động, cái sau thì gọi là tuyên truyền. Em thấy, nếu cho hay, viết cho chuẩn, thì báo hay chí cái nào cũng khó, nhưng cái nào cũng dễ, tùy ở mỗi người! Dù mới ở tạp chí chỉ dăm năm nay nhưng em thấy, nhiều anh viết báo thì rất tài, nhưng khi đưa sang chí, em đọc và không trình anh; ngược lại, có người viết chí thì được nhưng gửi cho báo, chưa thấy báo nào đăng! Em nhớ, trong “Lời nói đầu” của Tạp chí Đỏ có câu: “Lấy tài liệu trong này mà làm báo”. Theo thế, em vừa viết cho tạp chí ta vừa viết đều cho các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân và các tạp chí khác: Xây dựng Đảng, Tuyên giáo, Tuyên truyền, Giáo dục lý luận…

   Tôi vui, tiếp: Anh dạy em rồi, lấy cái bất biến ứng với cái vạn biến! Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài! Tùy loại hình, loại thể mà “gắp mắm” cho hợp! 

   Ông cười và giục: Trà nguội rồi! Em chuẩn bị đi học nghiên cứu sinh về Xây dựng Đảng trong Học viện Nguyễn Ái Quốc nhé! Ban Biên tập đã chọn em và thông báo với anh mấy hôm rồi. Anh đợi em đi công tác về mà. 

   Tôi ngạc nhiên và rất mừng!

   Ông động viên: Thu xếp công việc gia đình mà đi học tập trung, dài hạn, cho ra tấm ra món. Muốn làm việc lâu dài ở tạp chí phải học tập trung! 

   Ông kể, năm 1973, lúc 29 tuổi, ông được cử vào học nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế chính trị ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và động viên tôi: Mấy năm làm việc cùng, anh quý nhất em là rất say mê lý luận, chịu đọc, lắng nghe và biết tổng kết thực tiễn. Nhưng, quý nhất ở em là khả năng phát hiện vấn đề và có óc khái quát. Đó là lý do lớn nhất mà Ban Biên tập chọn và cử em đi học. 

   Ông dừng một lát và chậm rãi, rành rọt: Lần này, vào học viện, anh muốn em học thật hệ thống, nhất là phương pháp luận và phong cách tư duy lý luận. Em sang tuổi 30 nhỉ? 

   Tôi cảm động và thầm cảm ơn ông: Vâng! Em sẽ cố gắng và cảm ơn anh!  

   Ông nói tiếp: Sẽ cắt hẳn quân số cơ quan, vào ở nội trú và tập trung dài hạn trong học viện đấy!.

(Còn tiếp kỳ cuối)

Tác giả: Chơn Thành Thị ủy, TS. Nhị Lê

Nguồn tin: Báo Bình Phước Online

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu

Huyện Chơn Thành được thành lập theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20/02/2003 của Chính phủ gồm 08 xã, thị trấn (Minh Long, Minh Thành, Tân Quan, Nha Bích, Minh Lập, Minh Thắng, Minh Hưng và thị trấn Chơn Thành). Ngày 16/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2005/NĐ-CP thành lập xã Thành Tâm...

Bác Hồ với công tác cán bộ
Bác Hồ với công tác cán bộ Bác Hồ với công tác cán bộ
Sửa đổi lối làm việc - Bài học còn nguyên giá trị
Sửa đổi lối làm việc - Bài học còn nguyên giá trị Sửa đổi lối làm việc - Bài học còn nguyên giá trị
Thăm dò ý kiến
Thị xã Chơn Thành được thành lập vào?
Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay99
  • Tháng hiện tại2,698
  • Tổng lượt truy cập28,300

111/2021/NĐ-CP

Thông báo về việc cập nhật thông tin hàng hóa trên website, ứng dụng theo quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP

Thời gian đăng: 10/04/2022

lượt xem: 108 | lượt tải:30

98/2020/NĐ-CP

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thời gian đăng: 10/04/2022

lượt xem: 76 | lượt tải:23
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây